BIẾN XE LĂN THƯỜNG THÀNH XE LĂN ĐIỆN, NHÓM SINH VIÊN ĐOẠT GIẢI KHỞI NGHIỆP

BIẾN XE LĂN THƯỜNG THÀNH XE LĂN ĐIỆN, NHÓM SINH VIÊN ĐOẠT GIẢI KHỞI NGHIỆP

Nhằm tăng tính linh hoạt trong việc di chuyển hằng ngày cho người khuyết tật, nhóm sinh viên đã cải tạo thành công hệ thống biến bất cứ chiếc xe lăn thường nào cũng dễ dàng trở thành xe lăn điện.

Ngày 25/5, Trường Đại học Quốc tế – Đại học Quốc Gia TPHCM đã tổ chức vòng chung kết và trao giải cuộc thi khởi nghiệp cấp trường “IU Startup Demo Day lần VI năm 2024”.

Biến xe lăn thường thành xe lăn điện, nhóm sinh viên đoạt giải khởi nghiệp - 1

Sinh viên trình bày dự án trong cuộc thi khởi nghiệp (Ảnh: Nguyễn Vy).

“IU Startup Demo Day 2024” quy tụ 22 dự án đến từ sinh viên của 8 khoa/bộ môn của nhà trường, kết hợp cùng sinh viên đến từ 6 trường đại học khác trên địa bàn TPHCM. Được biết, có 8 dự án xuất sắc của các nhóm sinh viên được chọn vào vòng chung kết.

Sau buổi trình bày dự án của các nhóm sinh viên tham gia, ban giám khảo đã trao giải nhất cho dự án “Cải tạo xe lăn thường thành xe lăn điện”. Đây là dự án của các sinh viên đến từ trường Đại học Quốc tế, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn và Đại học Kinh tế.

Dự án tập trung vào việc cải thiện xe lăn thông thường, chuyển đổi thành xe lăn điện thay vì phải bỏ đi.

Nhóm đã tích hợp hệ thống pin và động cơ điện vào khung sườn có thiết kế đặc biệt. Điều này giúp hệ thống có thể được dùng để lắp vào bất kỳ mẫu xe lăn thường nào.

Biến xe lăn thường thành xe lăn điện, nhóm sinh viên đoạt giải khởi nghiệp - 2

Dự án cải tạo xe lăn thường thành xe lăn điện đoạt giải nhất cuộc thi khởi nghiệp sinh viên (Ảnh: Nguyễn Vy).

Bên cạnh đó, xe lăn còn có khả năng tự di chuyển mà không cần sức đẩy từ người sử dụng. Điều này mang lại tiện ích và độ tiện lợi cao đối với người dùng, đặc biệt là những người hạn chế về khả năng vận động. Cải tiến này cũng giúp giảm công sức và tăng tính linh hoạt khi đi lại hằng ngày, đồng thời góp phần vào việc giảm phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường.

Ngoài dự án đoạt giải nhất, các dự án khác như “Ứng dụng nhận diện và cung cấp thông tin chi tiết, đặc biệt là dược tính và đánh giá sức khỏe thực vật”, “Ứng dụng nông sản Việt Nam vào việc phát triển thực phẩm cho thú cưng”, cũng lần lượt đoạt giải nhì và giải ba.

Tại vòng chung kết, PGS.TS. Đinh Đức Anh Vũ, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Quốc tế phát biểu: “Các dự án bước vào vòng chung kết xoay quanh lĩnh vực thực phẩm, công nghệ chế tạo, chăm sóc sức khỏe… mang nhiều giá trị xã hội tích cực, hướng đến xây dựng cộng đồng phát triển bền vững.

Đặc biệt, đa số các hồ sơ dự thi năm nay đều đã có sản phẩm cơ bản từ khi tham gia tuyển chọn vòng sơ khảo, từ đó nâng cao chất lượng cuộc thi và tính cạnh tranh giữa các dự án”.

Trước đó, không chỉ dừng lại ở việc tổ chức cuộc thi, ban tổ chức đã triển khai 4 buổi tập huấn kỹ năng dành cho các thí sinh tham gia cuộc thi (lập mô hình kinh doanh, lập kế hoạch tài chính, lập chiến lược marketing và kỹ năng trình bày).

Ngoài ra, các buổi tập huấn còn kết hợp với định hướng, tham quan doanh nghiệp, hoạt động nghiên cứu thị trường và thực hiện sản phẩm mẫu. Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã kết nối với hơn 30 giảng viên, nhà sáng lập doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau cùng tham gia với vai trò cố vấn dự án, tập huấn viên và ban giám khảo cuộc thi.

Theo đó, 3 dự án đạt giải cao nhất sẽ được nhà trường hỗ trợ tiếp tục hoàn thiện sản phẩm, kết nối chuyên gia, tổ chức nhằm tăng tốc độ phát triển thực tế.

Bên cạnh đó, các dự án thuộc Top 8 đều được hỗ trợ phát triển và có cơ hội đại diện nhà trường tham dự các cuộc thi, sự kiện các cấp khác nhau trong thời gian tới.


Link gốc tại >>>