NỮ GIẢNG VIÊN ĐAM MÊ NGHIÊN CỨU ‘CẢI THIỆN SỨC KHỎE NÃO BỘ’
TS. Hà Thị Thanh Hương – Giảng viên trường Đại học Quốc tế (ĐHQG-HCM) là một trong 10 gương mặt nhà khoa học trẻ đạt giải thưởng khoa học công nghệ ‘Quả cầu vàng’ năm 2023.
Cuối tháng 9 vừa qua, Trung ương Đoàn đã công bố top 10 gương mặt nhà khoa học trẻ đạt giải thưởng khoa học công nghệ ‘Quả cầu vàng’, tôn vinh tài năng trẻ Việt Nam (không quá 35 tuổi tính đến năm xét trao giải) đang học tập, nghiên cứu và làm việc ở trong hoặc ngoài nước
TS. Hà Thị Thanh Hương – Trưởng bộ môn Kỹ thuật mô và y học tái tạo, 365 gambling , Trường Đại học Quốc tế là một trong 10 nhà khoa học trẻ được vinh danh nhờ nghiên cứu phần mềm Brain Analytics, phân tích hình ảnh MRI sọ não người bệnh và chẩn đoán bệnh Alzheimer một cách chính xác, tự động, nhanh, đã được huấn luyện và kiểm tra trên cơ sở dữ liệu ADNI (Mỹ) với độ chính xác khoảng 96%.
TS. Hà Thị Thanh Hương – Giảng viên trường Đại học Quốc tế (ĐHQG-HCM)
TS. Hà Thị Thanh Hương chia sẻ: “Khi nhận được tin mình đạt giải thưởng Quả cầu vàng, tôi vừa bất ngờ, vừa rất vui mừng, vừa cảm thấy biết ơn. Thành quả này không chỉ của riêng tôi mà là của cả tập thể. Là người giảng viên Trường Đại học Quốc tế – tôi giống như được đứng trên vai người khổng lồ, thừa hưởng vô vàn những thành tựu từ các thế hệ đi trước”.
Ước mơ ‘nhen nhóm’ từ những năm cấp 3
Cả ba và mẹ của TS. Hương đều là giáo viên dạy sinh học và hoá học. Vì vậy chuyện học tập các môn khoa học đối với cô khá suôn sẻ, nhẹ nhàng.
Nhưng mãi tới khi lên cấp 3, học chuyên Sinh tại trường Phổ thông Năng Khiếu, theo chân người thân đi khám tại các bệnh viện tâm thần, cô mới nhận thấy được những hạn chế của hệ thống chăm sóc sức khoẻ tâm thần.
Chứng kiến những nỗi đau đớn dày vò do căn bệnh này khiến cô muốn nghiên cứu chuyên sâu về thần kinh học, đem các hiểu biết sinh học và kỹ thuật của mình đến với lĩnh vực này.
TS. Hương nhớ lại: “Các bạn của tôi ở trường Năng Khiếu đi du học và theo nghiệp nghiên cứu rất nhiều. Thầy cô thời đó cũng là các nhà nghiên cứu từ trường Khoa học Tự nhiên hay Khoa học Xã hội Nhân văn qua thỉnh giảng, nên tôi ‘mạo muội’ nghĩ có lẽ đây là một con đường cho phép mình giải quyết bài toán liên quan tới sức khoẻ tâm thần cho người thân của mình và cho những người dân Việt Nam khác”.
TS. Hương cho rằng mình may mắn khi được theo học PGS.TS. Hồ Huỳnh Thùy Dương, Thầy GS.TS. Nguyễn Linh Thước và rất nhiều vị giáo sư đầu ngành tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên. Ở các thầy cô. TS. Hương tôi luôn thấy được ngọn lửa đam mê nghiên cứu.
Khi đi du học tại Đại học Stanford – ngành Thần kinh học, cô thực sự được trui rèn để có được bản lĩnh đi trên con đường nghiên cứu này.
Đường nghiên cứu khó khăn nhưng… không nản
TS. Hà Thị Thanh Hương trở về nước năm 2018 chỉ có trong tay hai bài báo khoa học và giải Quả cầu vàng năm 2023. Cô cho biết, để có được những kết quả “ít ỏi” này là điều không dễ dàng và đôi khi ‘chênh vênh’, cô vẫn phải nhờ những điểm tựa là cha mẹ, gia đình, thầy cô – những người từng truyền lửa, truyền kiến thức và dạy dỗ từ khi dưới mái trường phổ thông, đại học và nghiên cứu sinh sau này.
TS. Hương bộc bạch: “Thực sự nghiên cứu khó thật, viết báo cũng ‘khoai’, xin quỹ tài trợ nghiên cứu cũng khó, tìm kiếm đối tác từ phía lâm sàng cũng rất vất vả. Nhưng bù lại, mỗi lần nhìn thấy ánh mắt sáng rực của các em sinh viên, thấy các em trưởng thành hơn, theo đuổi được ước mơ du học của mình, hay khi hay tin có bệnh nhân dùng sản phẩm nghiên cứu của chúng tôi tại Bệnh viện Quân y 175 có tiến triển tốt, thì tôi cảm thấy mọi thử thách đều xứng đáng”.
Hiện nay nhóm nghiên cứu Brain Health Lab do TS. Hương thành lập đang tập trung giải quyết những vấn đề liên quan tới sức khỏe não bộ, nhất là các bài toán đặc trưng cho bối cảnh ở Việt Nam, điển hình như thiết kế các phương pháp can thiệp giúp hạn chế suy giảm nhận thức ở người lớn tuổi, hay giảm stress.
TS. Hà Thị Thanh Hương nhận Giải thưởng L’Oréal – UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học (For Women in Science) – năm 2022
TS. Hà Thị Thanh Hương nhớ lại: “Những ngày đầu xây dựng nhóm nghiên cứu Brain Health Lab, điều ấn tượng sâu sắc và đáng tự hào nhất của cô trò chúng tôi là phải cùng nhau vượt qua mùa dịch Covid-19.
Những ngày đó chúng tôi đều không thể đến phòng thí nghiệm, mà chuyển qua làm việc online. Khi trong gia đình có người thân mắc bệnh, hay bản thân bị mắc bệnh, chúng tôi vẫn kiên trì tiếp tục phân tích dữ liệu, viết bài báo, viết dự án mới, tranh thủ lên kế hoạch tương lai cho các em trong nhóm”.
“Đi qua được những tháng cách ly xã hội đó, chúng tôi cảm thấy quý trọng hơn từng thời khắc bình thường được lên phòng thí nghiệm và thu dữ liệu. Còn tôi thì thấy biết ơn các em đã tin tưởng và không từ bỏ nhóm nghiên cứu” – TS. Hương chia sẻ và cho biết thêm: “Có lẽ những gì tôi đã làm chưa thay đổi ngay được bức tranh tổng thể về sức khoẻ tâm thần ở Việt Nam, nhưng các đồng nghiệp của tôi, các bạn sinh viên khoá sau sẽ tiếp tục con đường này”.
Link gốc: